Lượt xem: 4884

Du lịch biển Sóc Trăng – Tiềm năng và lợi thế

Sóc Trăng là tỉnh có vị trí nằm ở cuối nguồn sông Hậu, tiếp giáp biển Đông với chiều dài hơn 72 km bờ biển và thông ra biển với 3 cửa sông chính là cửa Định An, Trần Đề và cửa sông Mỹ Thanh. Trong đó, cửa Định An là đầu mối giao thông quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; cửa Trần Đề có cảng cá Trần Đề là khu dịch vụ hậu cần nghề cá, nơi tránh, trú bão của các tàu thuyền và nơi đây còn diễn ra các hoạt động lưu thông ra vào của các phương tiện khai thác thủy, hải sản trong và ngoài tỉnh.

 


Bến Tàu Superdong Trần Đề - Côn Đảo

 

    Sóc Trăng còn là một trong 28 tỉnh, thành phố có biển của cả nước, khu vực ven biển của tỉnh đi qua huyện Cù Lao Dung (261,43 km), huyện Trần Đề (377,86 km) và thị xã Vĩnh Châu (473,4 km), có tổng diện tích tự nhiên là 1.112 km (chiếm 33,59% diện tích toàn tỉnh), dân số có khoảng 367.670 người (chiếm khoảng 27,8% dân số toàn tỉnh), bãi biển thuộc loại bãi ngang, do phù sa từ thượng nguồn sông Hậu tích tụ hằng năm vươn ra biển tạo nên vùng đất bãi bồi với diện tích trên 52.000 ha; cùng với nguồn tài nguyên thuỷ, hải sản phong phú, đa dạng... tạo ra nhiều tiềm năng to lớn để phát triển.

    Trên cơ sở Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 26/NQ-CP, ngày 5/3/2020 của Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 05 năm số 70/KH-UBND, ngày 10/6/2020 thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Có thể nói, Sóc Trăng là tỉnh có tiềm năng phát triển tổng hợp kinh tế biển, với các ngành như: Năng lượng sạch, cảng biển, logistics, du lịch biển.

    Với vị trí địa lý và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng đã tạo cho tỉnh tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế biển so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Điển hình là phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ gắn với lợi thế của vùng biển và du lịch biển, gần đây nhất là tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) với sự đầu tư của 02 công ty (Công ty Superdong Kiên Giang và Công ty cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc Express), có thời gian di chuyển trung bình từ 1 giờ 45 phút đến 2 giờ 30 phút, tần suất khai thác trung bình 3-4 chuyến/ngày, phục vụ khoảng 1.200-1.500 lượt khách/ngày.

    Bên cạnh đó, Sóc Trăng có những bãi biển hoang sơ, xinh đẹp đang được kêu gọi đầu tư như Khu du lịch sinh thái Hồ Bể (thị xã Vĩnh Châu) có diện tích 307 ha, Khu du lịch sinh thái Mỏ Ó (huyện Trần Đề) đã xây dựng cầu dẫn ra biển phục vụ khách tham quan và đang kêu gọi đầu tư phát triển du lịch trên diện tích 230 ha; Dự án kêu gọi đầu tư Khu sinh thái rừng ngập mặn ven biển (huyện Cù Lao Dung) diện tích 250 ha. Đồng thời, thị xã Vĩnh Châu triển khai, xây dựng các dự án điện gió kết hợp phát triển du lịch. Tỉnh đã tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho công tác thu hút đầu tư, tạo động lực cho phát triển du lịch ven biển, khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển, hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, các loại hình du lịch sinh thái biển, du lịch cộng đồng.

    Song song đó, các lễ hội văn hoá truyền thống của tỉnh mang nét đặc trưng của cư dân vùng biển. Lễ hội cúng Phước Biển (thị xã Vĩnh Châu) được tổ chức tại làng biển xã Vĩnh Châu, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng nhằm tưởng nhớ công ơn tổ tiên, tạ ơn biển cả và cầu mong những điều tốt lành nhất sẽ đến với dân làng. Tại vùng biển Kinh Ba – Trần Đề, từ lâu tồn tại tín ngưỡng tục thờ Cá Ông, giúp ngư dân vượt qua những phong ba bão táp, mang lại mùa thu hoạch hải sản bội thu, ngày 21 tháng 3 âm lịch lại nhộn nhịp với lễ hội Nghinh Ông. Các lễ hội biển không ngừng được nâng cấp về quy mô và kéo dài thời gian tổ chức để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm góp phần phát triển du lịch của địa phương. Đặc biệt, Lễ hội Nghinh Ông huyện Trần Đề đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể (theo Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL ngày 29/01/2019).

    Đánh giá một cách tổng thể, du lịch biển của Sóc Trăng hiện nay phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, như: Các sản phẩm du lịch biển chưa hấp dẫn, hoạt động quy mô nhỏ, tập trung ở ven bờ; cơ sở hạ tầng và các dịch vụ du lịch biển còn hạn chế, thiếu tính đồng bộ, chưa có các dịch vụ du lịch biển chất lượng cao để hấp dẫn, thu hút khách du lịch; nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn hạn chế, kỹ năng phục vụ thiếu chuyên nghiệp.


Cầu dẫn ra bãi biển Mỏ Ó

 

    Để Sóc Trăng bứt phá vươn lên, tỉnh đã và đang có nhiều giải phát thiết thực tiêu biểu nhất chú trọng kêu gọi đầu tư nhiều dự án trọng điểm: Dự án Cảng biển Trần Đề đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với định hướng phát triển thành cảng biển đặc biệt. Đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch, quan trọng của vùng, như: Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (điểm cuối kết nối vào Quốc lộ Nam Sông Hậu tại huyện Trần Đề), nổi bật là tuyến động lực ven biển nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang). Đầu tư cầu Đại Ngãi kết nối tuyến Quốc lộ 60 đến các cửa khẩu quốc tế, cảng biển nước sâu, các trung tâm kinh tế trong vùng, phát triển hành lang kinh tế ven biển gắn với dịch vụ logistics, các mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá; đồng thời, bảo đảm an ninh, quốc phòng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

    Với sự nỗ lực của các ngành, các cấp và địa phương cùng với nhận thức, tư duy và cách làm du lịch của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đã thay đổi theo hướng du lịch bền vững gắn bảo vệ môi trường và phát huy giá trị các tài nguyên du lịch hiện có, Sóc Trăng hy vọng sẽ được tiếp đón nhiều hơn nữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tỉnh cùng hợp tác và phát triển cho du lịch biển nói riêng và du lịch của tỉnh nói chung thêm khởi sắc và mang hiệu hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Tân Trang



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 86
  • Hôm nay: 395
  • Trong tuần: 70,822
  • Tất cả: 11,802,829